Thân gửi bạn Thảo Nguyên,
BS Diệp trả lời câu hỏi của bạn về tăng bạch cầu Eosinophillia (ái toan):
Bạch cầu ái toan Eosinophillia đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Nó tăng trong một số trường hợp sau:
Nhiễm kí sinh trùng
- Bệnh lý dị ứng, hen phế quản, sốt mùa hè..
- Một số rối loạn khác của hệ thống miễn dịch. Có nhiều nghiên cứu cho thấy theo dõi nhiều năm ở người đã cắt lách: không kiểm soát được số lượng bạch cầu ái toan gây tăng cao
Bạn đã xét nghiệm 3 loại kí sinh trùng lạc chủ : sán lá gan nhỏ, giun lươn và giun đũa chó (kết quả âm tính, các loại này cần điều trị đặc hiệu).
Loại kí sinh trùng đường ruột thông thường khác chưa được xét nghiệm (giun tóc, móc, kim…: do những loại này điều trị đơn giản hơn, ở các nước nhiệt đới như VN, có thể người dân xổ giun 6 tháng một lần bằng 1 liều Albendazol 400mg).
Như vậy, ở trường hợp của bạn, có 2 lựa chọn:
Nếu muốn tìm kỹ nguyên nhân, bạn có thể trở lại phòng khám gặp BS để Xn phân tìm kí sinh trùng đường ruột thông thường , điều trị nếu nhiễm
- Uống thuốc xổ giun 1 liều thông thường, Xét nghiệm lại công thức máu sau 3 tháng. Có kết quả tư vấn tiếp. Để xem khả năng tăng Eosinophillia có liên quan đến cắt lách hay không
Để được tư vấn và điều trị cụ thể, mời bạn vui lòng tới phòng khám gặp bác sỹ đã khám và điều trị
Trân trọng
BS Nguyễn Thị Ngọc Diệp
An Khang clinic
Xin chào bạn Phan Tien Dung,
Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn về chỉ số xét nghiệm trong máu WBC và Gra như sau:
Trong xét nghiệm công thức máu: WBC là số lượng bạch cầu, GRA là bạch cầu đa nhân trung tính. Khi 2 chỉ số này tăng cao phản ánh tình trạng đang có viêm nhiễm trùng.
Cụ thể viêm nhiễm trùng ở bộ phận nào, có cần điều trị hay không mời bạn vui lòng tới khám bác sỹ để được tư vấn và giải thích kỹ hơn. Phòng khám đa khoa An Khang luôn chào đón bạn.
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi và xin hẹn gặp lại
Em Hợp thân mến !
Qua triệu chứng mà em kể trên thông thường người ta luôn nghĩ đến bệnh trĩ. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể gặp ở các bệnh khác như ung thư trực tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu, polyp đại trực tràng, nứt kẻ hậu môn …
Để em có kiến thức thêm về bệnh trĩ, Bác có một số thông tin để em tham khảo.
I - Các biểu hiện lâm sàng của bệnh trĩ
+ Chảy máu: là triệu chứng sớm nhất cũng là triệu chứng thường gặp nhất, hình thức chảy máu khác nhau và số lượng máu chảy cũng khác nhau. Tình cờ người bệnh phát hiện có máu ở giấy vệ sinh, hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu đỏ, hoặc máu chảy thành giọt, thành tia khi đại tiện táo bón. Muộn nữa cứ khi đại tiện, ngồi xổm, đi lại nhiều máu lại chảy.
+ Sa búi trĩ: thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu, lúc đầu sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần và không tự tụt vào sau khi đi đại tiện nữa mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn.
+ Sưng nề vùng hậu môn: Trĩ nội lúc đầu khu trú hoàn toàn bên trong hậu môn, về sau khi trĩ to lên thì sa ra ngoài hậu môn, có thể trĩ bị phù nề hoặc sưng khá to và mắc nghẹt không thể đẩy lên được làm người bệnh rất đau.
+ Đau: Có thể không đau hoặc đau cấp, đau mạn tính. Đau trong các trường hợp sau: Tắc mạch do xuất hiện trong búi trĩ những cục máu đông nhỏ, có thể nứt hậu môn đi kèm.
+ Sự khó chịu ở vùng hậu môn, xuất tiết, ngứa: Do hậu quả của quá trình viêm, bệnh nhân cảm giác ẩm ướt ở hậu môn hoặc tiết nhầy gây ngứa.
+ Thiếu máu: Có thể gặp vì chảy máu là triệu chứng thường gặp nhất. Thường thì không thiếu máu, tuỳ theo mức độ chảy máu, thời gian chảy máu mà dẫn đến tình trạng thiếu máu.
II - Nguyên nhân gây bệnh trĩ
Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:
+ Táo bón kéo dài: Người bệnh đi ngoài rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.
+ Tiêu chảy kéo dài: người bệnh mỗi ngày đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.
+ Tăng áp lực ổ bụng: Những người bệnh bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, phải ho nhiều, những người làm lao động nặng như khuân vác... làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện.
+ Lối sống tĩnh tại: người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may…
+ Khối u hậu môn trực tràng và vùng xung quanh: như ung thư trực tràng, u vùng tiểu khung, thai nhiều tháng… khi to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.
III - Chẩn đoán bệnh trĩ
+ Dựa trên các biểu hiện lâm sàng
+ Soi hậu môn bằng ống cứng: cho phép quan sát trực tiếp các búi trĩ, đồng thời qua đó có thể thực hiện các thủ thuật loại trừ búi trĩ.
+ Nội soi đại trực tràng ống mềm: có thể chẩn đoán chính xác bệnh trĩ và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác ở trực tràng và đại tràng như ung thư trực tràng, ung thư ống hậu môn ...
Tóm lại
Với trường hợp của em như Bác đã trao đổi qua điện thoại trước đó, em nên đi khám bệnh để được thăm khám cụ thể và để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây chảy máu tiêu hóa bác sĩ sẽ chỉ định soi đại trực tràng. Em có thể tới khám những cơ sở y tế có nội soi đại trực tràng để khám bệnh nhé!
Chào em, mong em mau bình phục.
BS Nguyễn Phú Luyện
Bs chuyên khoa Mắt trả lời :
Chào em,
Vì tôi không được khám trực tiếp người thân của em, nên chỉ có thể chẩn đoán sơ lược qua mô tả về bệnh của người nhà em.
Theo như em mô tả thì người nhà em bị “ Xuất huyết mắt” trước khi bị vài ngày thì có bị “ Nhức đầu”, hiện điều trị thì mắt đã bớt đỏ, nhưng còn nhức đầu.
Về vấn đề “ Xuất huyết mắt” : Xuất huyết mắt khi người ngoài có thể nhìn thấy xuất huyết thì đa phần là xuất huyết tại kết mạc, tức tròng trắng của mắt, kết mạc có nhiều mạch máu nhỏ, xuất huyết có thể do một trong các nguyên nhân sau đây:
- Do chấn thương, va quẹt.. : khi bị chấn thương ( bị té va đập trúng mắt; bị đánh vào mắt...) mạch máu kết mạc sẽ bị bể và gây xuất huyết, các trường hợp chấn thương có xuất huyết do té hoặc va đập luôn kèm chấn thương mi mắt, có bầm mi, sưng phù nề, kèm xuất huyết kết mạc, nguyên nhân này thì khá rõ ràng.
Những va chạm nhẹ như cây quệt vào mắt, hoặc đơn giản tay quẹt phải mắt , côn trùng hay dị vật bay vào mắt, rồi bệnh nhân dụi mắt nhiều cũng có thể gây xuất huyết kết mạc, trường hợp này thường là xuất huyết nhẹ,
- Nguyên nhân do tăng áp lực mao mạch kết mạc: thường do bệnh nhân trước đó có nôn ói, say rượu; hoặc bệnh nhân bị ho nhiều, ho rũ rượi; hoặc tập thể hình , yoga những động tác có cúi đầu hoặc trồng cây chuối trong khoảng thời gian lâu, có thể làm tăng áp lực mạch máu vùng đầu mặt cũng có thể gây xuất huyết những mao mạch nhỏ.
- Nguyên nhân thứ 3 gây xuất huyết kết mạc là những nguyên nhân kèm theo các bệnh nội khoa như : cao huyết áp; tiểu đường có biến chứng mạch máu, các bệnh về đông máu; các bệnh về Dị dạng mạch máu … những nguyên nhân này gây xuất huyết không chỉ trên kết mạc mà còn có thể ở những vị trí nguy hiểm khác. Khi loại trừ hai nguyên nhân trên, bệnh nhân có những bệnh lý nội khoa kèm theo không nên chủ quan mà hãy tới bệnh viện để kiểm tra và khám thêm về các chuyên khoa nội tim mạch, nội tiết và đặc biệt nội thần kinh ;
Theo như em kể thì nguòi nhà em trước khi bị xuất huyết có bị nhức đầu, và hiện tại vẫn còn nhức đầu. Điều này khá nguy hiểm , vì triệu chứng nhức đầu kèm xuất huyết kết mạc, rất có thể là hậu quả của một cơn tăng huyết áp đột ngột , gây xuất huyết kết mạc.
Ngoài nguyên nhân cao huyết áp, triệu chứng nhức đầu cũng cần được khám thêm chuyên khoa nội thần kinh, có thể cần làm thêm một số xét nghiêm hoặc cần chụp X quang hoặc MRI vùng đầu để có chẩn đoán xác định.
Theo những gì em mô tả, triệu chứng xuất huyết đã giảm nhưng nhức đầu còn , thì rất nên đến các bệnh viện có chuyên khoa nội thần kinh và tim mạch để khám thêm.
Em không nói người nhà em bao nhiêu tuổi, với độ tuổi >40 thì những vấn đề về tim mạch và nội tiết rất nên được kiểm tra.
Rất mong em có thể chia sẻ sau khi người nhà em đã đi khám chuyên khoa nội thần kinh , nột tiết và tim mạch.
Chúc người nhà em mau khỏe, chúc em và gia đình vui khỏe.
Bs Ung Thị Hoài Yên
Đang vận động bất ngờ bị chuột rút sẽ rất đau bắp thịt, khiến phải dừng lại ngay không cử động được nữa. Muốn khỏi đau nhanh chóng cần thực hiện các thao tác sau đây: dừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút.
Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối.
Khi bị chuột rút bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống.
Trường hợp chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh...
Sau khi đã qua cơn đau, về nhà bạn có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Bạn nên đi giày vừa chân, gót giày không quá cao.
Có thể dùng một số loại thuốc thuốc điều trị chuột rút như: vitamin E, thuốc thư giãn cơ... Bình thường chuột rút không kéo dài và không gây nguy hiểm.
Nhưng nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc, đang bơi dưới nước... thì có thể gây tai nạn, chết đuối.
Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút thì không đáng ngại.
Nhưng nếu bạn thường xuyên bị chuột rút, hoặc bị chuột rút gây đau đớn, thì cần đi khám bệnh, xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh gây ra chuột rút.
NGUYỄN PHÚ LUYỆN (Dr.)
Bác sĩ Ngoại Khoa
An Khang E-Clinic (AKC) - Vinamilk Corp.
Chứng chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) thường xảy ra khi chúng ta vận động quá sức.
Các đối tượng dễ bị chuột rút là: vận động viên thể thao, người leo núi, leo cầu thang nhiều tầng, phụ nữ mang thai... Lao động, tập luyện, trèo đèo leo dốc với cường độ cao, cơ thể bị mất nước, mất muối... đều dễ bị chuột rút.
Bệnh thường xảy ra trong các trường hợp: ngủ ban đêm, khi đang vận động cơ bắp trong thời gian dài liên tục, nhất là khi mệt mỏi, đói, khát nước.
Lý giải chứng chuột rút thường xảy ra vào ban đêm khi ngủ, các nhà chuyên môn cho rằng, người nào mà ban ngày lao động nặng nhọc bị mệt mỏi hoặc đứng lâu trên nền cứng, do cơ bắp không hoạt động, căng thẳng thì ban đêm bị chuột rút.
Chuột rút trong khi đang vận động thường gặp ở các bắp thịt lớn như cẳng chân và đùi.
Khi đó cơ bắp bị mệt mỏi, vận động quá lâu, quá mạnh, vận động khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, cơ thể bị mất muối làm giảm nồng độ K, Mg, Na, Ca trong máu.
Thêm nữa, tình trạng vận động nhiều còn gây lắng đọng acid lactic trong bắp thịt, dẫn đến rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa dây thần kinh và cơ bắp, nên dù bộ não muốn cơ thư giãn sau khi cử động nhưng cơ vẫn tiếp tục co rút gây ra đau.
Như vậy, những người ngồi làm việc lâu, không thay đổi tư thế cũng thường bị chứng co cứng cơ.
Thời tiết nóng bức mà vận động cơ thể sẽ ra nhiều mồ hôi gây mất nước và mất muối cũng rất dễ bị chuột rút khi vận động mạnh và kéo dài.
Những người sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh như statin, prednison, thuốc lợi tiểu làm giảm kali và manhê cũng dễ bị chuột rút.
Bệnh nhân bị các bệnh: tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh thận đang lọc máu, rối loạn tuần hoàn, bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới đều dễ bị chuột rút.
Thai phụ hay bị chuột rút từ tháng thứ 6 trở đi của thai kỳ do thiếu calcium, phospho, magnesium, do sức nặng và độ lớn của tử cung chèn ép vào các mạch máu ở chi dưới hoặc do các cơ ở chi dưới phải mang sức nặng của cơ thể.
NGUYỄN PHÚ LUYỆN (Dr.)
Bác sĩ Ngoại Khoa
An Khang E-Clinic (AKC) - Vinamilk Corp.
Bệnh Viêm kết mạc, hay thường được gọi là bệnh Đau mắt đỏ, là một tình trạng viêm của kết mạc – là lớp màng trong suốt bao phủ bề ngoài nhãn cầu. Khi kết mạc bị viêm nhiễm, những mạch máu trong lớp kết mạc bị xung huyết và mắt bị đỏ. Do đó bệnh Viêm kết mạc hay được gọi là Đau mắt đỏ.
Triệu chứng của bệnh Đau mắt đỏ (viêm kết mạc):
Vì viêm kết mạc do vi khuẩn hay do siêu vi rất hay lây nhiễm, nên việc lưu ý đến các triệu chứng của bệnh rất quan trọng. Bệnh có thể lây nhiễm cho mọi người xung quanh , thậm chí sau khi tiếp xúc với bệnh nhân 2 tuần lễ. Bạn nên đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng sau:
- Mắt đỏ hoặc xung huyết.
- Cảm giác cộm như có sạn trong mắt.
- Chảy ghèn, hoặc có lớp dịch tiết dày đọng trên mắt sau khi ngủ dậy.
- Ngứa mắt.
- Chảy nước mắt sống.
Nguyên nhân của bệnh Đau mắt đỏ?
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh Đau mắt đỏ là:
- Do vi khuẩn , siêu vi:
Viêm kết mạc do vi khuẩn thường gặp nhất, do lây nhiễm từ việc không giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống.
Viêm kết mạc do siêu vi thường có liên quan tới các bệnh nhiễm siêu vi mũi họng.
Dù là bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn hay siêu vi, loại viêm kết mạc này rất hay lây lan trong cộng đồng. Lây lan rất nhanh từ người này sang người khác khi tiếp xúc với tay hoặc dịch tiết kết mạc của người bệnh.
- Do dị ứng:
Dị ứng nguyên như phấn hoa, có thể gây đỏ mắt – đỏ một mắt hay cả hai mắt. Các dị ứng nguyên kích thích cơ thể tạo ra nhiều histamine, gây phản ứng viêm như là một phần phản ứng của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh. Và chính điều này gây nên viêm kết mạc do dị ứng, viêm kết mạc do dị ứng luôn luôn có triệu chứng ngứa mắt.
- Do hóa chất:
Bạn cũng nên cẩn thận với các hóa chất, khi hóa chất văng vào mắt sẽ gây viêm kết , giác mạc do hóa chất. Những hóa chất như Clorine, thường thấy trong các hồ bơi có thể gây viêm kết mạc.
Hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa trong gia đình cũng cần lưu ý , vì khi văng vào mắt sẽ gây viêm kết mạc, hoặc giác mạc do hóa chất.
Khi bị hóa chất văng vào mắt, cách hiệu quả nhất là rửa ngay mắt với thật nhiều nước. Rửa càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán bệnh Đau mắt đỏ:
Để chẩn đoán bệnh viêm kết mạc không khó. Bác sĩ sẽ dựa vào một số triệu chứng trên mắt bệnh nhân để có chẩn đoán chính xác bệnh. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ lấy dịch tiết trên mắt bệnh nhân để làm thêm một số xét nghiệm để có hướng điều trị thích đáng hơn.
Điều trị Đau mắt đỏ - viêm kết mạc:
Điều trị viêm kết mạc tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm kết mạc do kích ứng bởi hóa chất văng vào mắt, rửa mắt kịp thời là điều quan trọng nhất. Nếu do vi khuẩn , siêu vi hay dị ứng nguyên. Sẽ có những hướng điều trị khác nhau:
- Viêm kết mạc do vi khuẩn:
Đối với viêm kết mạc do vi khuẩn , điều trị thường phải dùng kháng sinh. Có thể phải dùng phối hợp kháng sinh nhỏ mắt và kháng sinh uống. Trẻ em đôi khi khó nhỏ thuốc nước, nên có thể chọn lựa tra thuốc mỡ kháng sinh.
Thông thường, khi được điều trị đúng cách, cách triệu chứng của viêm kết mạc sẽ mất sau vài ngày điều trị.
- Viêm kết mạc do siêu vi:
Thật không may, viêm kết mạc do siêu vi không có thuốc đặc trị. Giống như cảm cúm thông thường, không có thuốc đặc trị. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn nhỏ thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm khi có các triệu chứng bội nhiễm hoặc phù nề, cương tụ mắt nhiều. Thông thương viêm kết mạc do siêu vi sẽ giảm dần các triệu chứng trong 1 tuần đến 10 ngày. Trong thời gian này bạn có thể rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Hoặc nếu có các triệu chứng của bội nhiễm, bác sĩ sẽ kê toa nhỏ thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm.
- Viêm kết mạc do dị ứng:
Để điều trị viêm kết mạc dị ứng, bác sĩ có thể kê toa cho bạn kháng histamine để làm giảm các triệu chứng phù nề, ngứa... có thể cho thuốc nhỏ có tác dụng co mạch để làm giảm xung huyết ...
Làm sao để phòng ngừa bệnh viêm kết mạc?
Giữ gìn vệ sinh là cách tốt nhất phòng ngừa viêm kết mạc và cũng là biện pháp ngăn ngừa bệnh lây lan.
Tránh dùng tay chạm vào mắt , rửa tay sạch sẽ và thường xuyên. Chỉ nên dùng khăn giấy mềm sạch lau mắt. Không dùng chung mỹ phẩm và các đồ trang điểm, đặc biệt chì kẻ mắt và mascara.
Giặt và thay vỏ gối thường xuyên.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị viêm kết mạc do kính tiếp xúc ( contact lenses ) , bác sĩ sẽ khuyên bạn thay cặp kính tiếp xúc mới hoặc thay dung dịch rửa kính mới. Bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn thay kính tiếp xúc đúng
Đối với bệnh nhân bị cận thị, không sử dụng kính tiếp xúc ( contact lenses ) cho đến khi mắt khỏi hẳn.
Không nên mang kính tiếp xúc loại kém chất lượng, và loại có sơn màu, vì có nhiều khả năng làm gia tăng nguy cơ bị Đau mắt đỏ.
- Ngăn ngừa lây lan bệnh Đau mắt đỏ - viêm kết mạc:
Nếu bạn bị viêm kết mạc, bạn nên tự giác tránh lây nhiễm cho người khác bằng cách giữ vệ sinh: rửa sạch tay thường xuyên; không dùng chung đồ dùng, vật dụng với người khác. Không giặt chung quần áo với người khác.
Bạn nên thay khăn mặt và khăn tắm hàng ngày. Sau khi khỏi bệnh, bạn cũng nên thay toàn bộ mỹ phẩm mới để tránh nhiễm lại.
Nếu con bạn bị viêm kết mạc , tốt nhất là không cho trẻ đến trường để tránh lây nhiễm sang trẻ khác.
Bs CKII Ung Thị Hoài Yên
Trưởng khoa Mắt - Phòng khám Đa khoa An Khang
Cám ơn câu hỏi của em, bác sĩ trả lời như sau: trám răng là một phương pháp điều trị thông thường trong nha khoa, sử dụng vật liệu để trám lại lỗ sâu mà không hề gây cho bạn cảm giác đau hay khó chịu. Khi các lỗ sâu còn nhỏ hay mới chớm sâu, bạn nên trám lại để bảo vệ cho men răng và ngà răng, tránh tình trạng sâu năng hơn để phải lấy tủy.
Vật liệu trám được sử dụng phổ biến hiện nay đó là composite, khi trám bằng vật liệu này sẽ có màu y như răng thật, có khả năng chịu lực, độ bền cao và được nghiên cứu là không gây hại cho cơ thể.
Cách trám răng như sau: Trước tiên, bác sĩ sẽ dùng khoan để lấy sạch những vụn thức ăn, ngà sâu trong lỗ sâu răng để làm sạch răng. Sau đó sẽ dùng vật liệu trám để phủ lên lớp men răng đã bị sâu, làm đầy lổ sâu răng, ngăn không cho các vi khuẩn, hóa chất gây hại đến tủy răng. Trong một số trường hợp bị sâu lớn, gần tủy nên sẽ có cảm giác hơi ê buốt, khi đó bác sĩ sẽ đặt thuốc để theo dõi 3-7 ngày rồi mới trám lại sau lần hẹn kế tiếp.
Bs. NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH
Trưởng khoa RHM - Phòng khám Đa khoa An Khang
Cám ơn câu hỏi của em, đây cũng là thắc mắc của nhiều người, bác sĩ xin trả lời như sau:
- Chúng ta nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng khi bị nhét thức ăn vào vùng kẽ răng, hoặc ít nhất 1 lần vào buổi tối để hỗ trợ cho việc chải răng , cách sử dụng chỉ nha khoa như sau:
Lấy một đoạn chỉ dài khoảng 40cm đến 50cm, quấn vào 2 ngón tay giữa và thu ngắn lại còn khoảng 15cm dùng 2 trong số 4 ngón tay (2 ngón trỏ, 2 ngón cái) căng đoạn chỉ nói trên thành một khúc nhỏ độ 1 hay 2 cm. Với đoạn nhỏ này ta tìm cách luồn vào kẽ răng, đi qua tiếp điểm, xuống rãnh nướu. Sử dụng khéo léo tránh lấn chỉ sâu xuống quá cắt vào lợi, làm tổn thương lợi.
Sợi chỉ phải ôm sát bề mặt răng, kéo nhẹ theo chiều trước sau, và kéo về phía mặt nhai, không sử dụng động tác kéo chỉ theo chiều ngoài trong với biên độ lớn.
Một số nguyên tắc lưu ý khi sử dụng:
+ Sợi chỉ phải được quấn chặt giữa 2 đầu ngón tay giữa, một bên quấn nhiều. Một đoạn dài nhỏ được kéo căng giữa 2 ngón tay hướng dẫn
+ Nên dùng chỉ sạch cho mỗi vùng
+ Khi chỉ đi qua tiếp điểm không nên ép mạnh về phía rãng nướu, phải kéo nhẹ nhàng cho qua tiếp điểm
+ Chỉ đặt ở đáy rãnh nướu và di chuyển giữa rãnh nướu và tiếp điểm giữa 2 răng
+ Chỉ được di chuyển dọc theo bề mặt răng. Không tiếp xúc bề mặt nướu, sợi chỉ phải cong theo bề mặt tiếp cận của răng
+ Sử dụng chỉ phải chậm, đúng kỹ thuật, từ từ để tránh gây chấn thương
+ Việc sử dụng chỉ nên được nha sỹ kiểm tra để có thể sử dụng đúng và có hiệu quả.
Bs. NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH
Trưởng khoa RHM - Phòng khám Đa khoa An Khang
Chào em, cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng là một việc điều trị nha chứ không phẫu thuật. Bằng cách sử dụng những dụng cụ đặc biệt, để loại bỏ mảng bám và sự viêm nhiễm xung quanh răng.
- Đầu tiên răng được cạo sạch để loại bỏ mảng bám và vôi đã bám cứng trên răng.
- Sau đó là đến phần thân răng nằm sâu dưới nướu cũng được làm sạch và nhẵn. Điều này sẽ loại bỏ được bất kỳ những mảng bám nào dù là cứng nhất một cách dễ dàng.
- Toàn bộ răng được làm sạch bởi máy vạo vôi răng bằng siêu âm Ultrasonic-Scaler. Với những đầu insert chuyên dùng sẽ hạn chế tối đa việc đau buốt khi lấy vôi răng
- Một thân răng sạch và nhẵn, đảm bảo cho răng, nướu chắc, khoẻ. Là cách
tốt nhất giúp hạn chế tối đa việc chảy máu răng, sưng nướu, tụt nướu, giảm bớt sự khó chịu do chứng viêm nướu, ngăn ngừa việc mất răng và tiêu xương. Đem lại một nụ cười tự tin và đẹp.
- Cuối cùng một chổi đánh bóng và chất đánh bóng được sử dụng để làm bóng mặt trong cũng như mặt ngoài của răng. Mục đích của việc đánh bóng bề mặt răng sẽ làm bề mặt này mịn mà và giúp ngăn trở, giảm thiểu sự tích lũy mảng bám trên răng dể gây ra những bệnh về răng miệng.
- Sử dụng phương pháp này giúp răng sạch hơn nhiều so với việc đánh răng thông thường. Bên cạnh đó việc làm sạch răng sẽ không có bất kỳ sự tiếp xúc nào lên bề mặt răng ngoài trừ việc đánh bóng răng nên không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới cấu trúc răng hay men răng.
Những mãng bám được lấy đi, làm cho răng miệng có một cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái.
- 1 năm em nên đi đến nha sĩ khám và cạo vôi răng 2 lần nhé ! Chúc em luôn có nụ cười trắng sáng và tự tin nhé!
Bs. NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH
Trưởng khoa RHM - Phòng khám Đa khoa An Khang